Liệu điểm số có phải là thước đo duy nhất cho sự thành công? Giáo dục đại học cần thay đổi như thế nào để giúp sinh viên phát huy tiềm năng và tìm kiếm cơ hội đích thực?
“Tôi và Jack Ma đều học rất kém toán!”
Trong khuôn khổ Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục 2024” do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) kết hợp cùng TH School tổ chức tại Hà Nội, GS. Yong Zhao, giảng viên Đại học Kansas (Hoa Kỳ) với góc nhìn sắc bén, đã chia sẻ những câu chuyện như một lời cảnh tỉnh cho những ai đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Ông dẫn chứng trường hợp của Lady Gaga, một nữ ca sĩ nổi tiếng thế giới, người đã từng bị trường đại học từ chối vì “không đủ tiêu chuẩn”.
“Họ đã sai”, GS. Zhao khẳng định. Lady Gaga, với tài năng thiên bẩm, đã chứng minh cho cả thế giới thấy sự khác biệt và thành công của mình. Câu chuyện này đặt ra một vấn đề lớn cho giáo dục đại học: Liệu chúng ta đang đánh giá sinh viên bằng những thước đo cứng nhắc, hay đang thực sự tạo điều kiện để các em phát huy tiềm năng của bản thân?
Zhao tiếp tục chia sẻ câu chuyện về bản thân: “Tôi học rất kém toán. Tỷ phú Jack Ma (đồng sáng lập Alibaba) cũng vậy. Nhưng điều đó liệu có thể ngăn cản chúng tôi thành công?”
Vị giáo sư này cho biết, trên thang điểm 100 của giáo dục Trung Quốc những năm 1970 – 1980, có năm học, điểm toán tối đa ông đạt được là 3. “Nhưng tôi còn giỏi chán, thưa quý vị. Jack Ma có thời điểm, môn toán ông ấy chỉ loanh quan điểm 1 trên thang điểm 100. Cha tôi, một nông dân nghèo, thấy tôi không những kém toán mà đến chăn trâu cũng dở, ông quyết định: Cho tôi nghỉ chăn trâu – chuyên tâm học tiếng Anh – môn học tôi yêu thích. Và đó là khởi đầu cho tương lai sau này của tôi”.
Ông cho rằng, giáo dục không nên chỉ tập trung vào một số môn học nhất định, mà cần phải đa dạng hóa, tạo điều kiện để mỗi người được phát triển theo thế mạnh của mình.
“Hạnh phúc thực sự là khi mỗi người làm được điều có ý nghĩa”
Zhao đưa ra một thực tế đáng báo động: điểm số PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế) của hầu hết các quốc gia đều giảm trong những năm gần đây. “Điều này không chỉ xảy ra ở Mỹ hay Trung Quốc, mà ở hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam”, ông nhấn mạnh.
Vậy đâu là nguyên nhân? Theo GS. Zhao, vấn đề không nằm ở việc thiếu những ý tưởng hay, mà nằm ở cách chúng ta thực hiện những ý tưởng đó. “Mọi đứa trẻ đều khác biệt. Các em sinh ra với những tài năng riêng.” – ông khẳng định. Giáo dục đại học cần phải thay đổi để giúp các em nhận ra tiềm năng của bản thân, đóng góp cho xã hội và tìm kiếm hạnh phúc đích thực.
Zhao cho rằng, giáo dục đại học không nên chỉ tập trung vào việc dạy trẻ em trở nên ích kỷ, cạnh tranh lẫn nhau. Thay vào đó, chúng ta cần giúp các em nhận ra giá trị và tiềm năng của bản thân để đóng góp cho xã hội. “Hạnh phúc thực sự là khi mỗi người làm được điều gì đó có ý nghĩa, được tự do lựa chọn, và xây dựng các mối quan hệ để hỗ trợ người khác”, ông chia sẻ.
Từ những câu chuyện trên đây, theo GS. Zhao, những nhà giáo dục có thể rút ra những bài học quý giá. Đó là:
Phải thay đổi tư duy, nhìn nhận mỗi sinh viên là một cá thể riêng biệt với những tài năng riêng, thay vì áp đặt những tiêu chuẩn chung. Cùng với đó đẩy mạnh phát triển toàn diện và kết hợp học đi đôi với hành. Cần thiết trang bị cho sinh viên không chỉ kiến thức chuyên môn mà còn cả kỹ năng mềm, khả năng thích ứng và tư duy sáng tạo, gắn kết lý thuyết với thực tiễn, tạo điều kiện cho sinh viên được trải nghiệm và áp dụng kiến thức vào thực tế.
Quan trọng hơn hết, theo GS. Zhao, những người làm trong ngành giáo dục, cần nỗ lực và hiện thực hóa kiến tạo môi trường học tập hạnh phúc. Theo ông, hạnh phúc trong giáo dục phải là hạnh phúc thực tế – thật sự, trong đó có xây dựng môi trường học tập thân thiện, cởi mở, khuyến khích sự sáng tạo thế mạnh bản thân mỗi sinh viên; có tinh thần hợp tác, giúp sinh viên cảm thấy hạnh phúc và tự tin trong học tập.