Thầy giáo Phạm Hồng Hải, Hiệu trưởng cấp THCS trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng cho hay hiện nay việc xây dựng văn hóa ứng xử đã được các nhà trường đặc biệt quan tâm, nhất là khi xuất hiện hàng loạt vụ việc liên quan đến ứng xử thiếu chuẩn mực trong trường học. Tuy nhiên thực tế, vẫn còn một số vụ việc gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường giáo dục.
Chẳng hạn học sinh đánh nhau, không chỉ bằng tay chân mà còn sử dụng các hung khí nguy hiểm như dao, kiếm, gậy sắt chỉ để dằn mặt nhau vì những lý do như “nhìn đểu”, nói xấu, ghen tuông, không cho mượn tiền, không cho cóp bài. Thậm chí, có những học sinh bị bạn đánh hội đồng, sau đó quay clip để phát tán lên mạng xã hội trước sự chứng kiến của nhiều bạn khác.
Không những vậy, hiện tượng học trò vô lễ, không tôn trọng thầy cô, gọi thầy cô bằng những từ ngữ phản cảm, kể cả trực tiếp hoặc thông qua mạng xã hội; xé bài kiểm tra trước mặt thầy cô, cãi thầy cô khi bị la mắng… cũng đã trở thành những hiện tượng tiêu cực, xấu xí trong môi trường học đường.
Ngoài ra theo thầy Hải, vấn đề ứng xử giữa giáo viên với giáo viên hiện nay cũng xuất hiện những lệch lạc nhất định, khi có sự đố kỵ, cạnh tranh không lành mạnh về vị trí việc làm, thu nhập… Những điều này trở thành mầm mống gây mất đoàn kết nội bộ, chia rẽ trong đội ngũ giáo viên.
Bên cạnh đó, một bộ phận cha mẹ học sinh cũng có những ứng xử văn hóa không phù hợp với thầy cô, nhà trường. Họ không giữ được thái độ bình tĩnh khi thấy con mình bị “tổn thương”, từ đó dẫn đến cách hành xử không phù hợp, làm tổn hại đến mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường.
Để xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường, thầy Hải cho rằng cần phải chú trọng đặc biệt vào khâu rèn kỹ năng ứng xử có văn hóa vì đây chính là biểu hiện trực tiếp, quyết định tới việc văn hóa ứng xử trong nhà trường có được thực hiện tốt hay không.
Trong đó bao gồm kỹ năng quản lý cảm xúc, cái “tôi” bản thân để không có những phản ứng thái quá trước mỗi vấn đề, suy nghĩ khác biệt; kỹ năng đặt vấn đề và giải quyết vấn đề để hóa giải xung đột, mâu thuẫn; kỹ năng biết thích ứng, hòa nhập với môi trường xã hội, biết tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân, biết đặt cái tôi của mình trong sự hài hòa với tập thể… để tạo ra sự đoàn kết, sẻ chia, tương tác có trách nhiệm.
Ngoài ra, thầy cô và học sinh cũng phải rèn kỹ năng giao tiếp vì đây là cốt lõi của văn hóa ứng xử và là biểu hiện dễ thấy nhất trong ứng xử. Do vậy, nhà trường cần quan tâm đến việc định hướng, rèn kỹ năng giao tiếp theo hướng trung thực, nhiệt tình, ôn hòa, đồng cảm, khiêm nhường trong phát ngôn, ứng xử, tập trung vào các yếu tố: nói sao cho chuẩn mực, dễ nghe; viết (tin nhắn, văn bản, mạng xã hội) sao cho đúng và hay…
Cũng theo thầy Hải, các nhà trường cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử để làm cơ sở có tính ràng buộc, điều chỉnh các hành vi ứng xử văn hóa trong nhà trường. Bộ quy tắc ứng xử phải xây dựng cụ thể các nội dung liên quan đến ứng xử của cán bộ quản lý nhà trường; ứng xử của giáo viên; ứng xử của nhân viên; ứng xử của học sinh; ứng xử của cha mẹ học sinh…
Các nhà trường cần xây dựng cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường như các “không gian văn hóa”; hệ thống logo, khẩu hiệu, hình ảnh thiết kế trong nhà trường phải hợp lý, có tính thẩm mỹ, tính sư phạm để giúp cho thầy cô, học sinh mong muốn được đến trường, thấy được mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
“Khi ấy, việc tạo dựng văn hóa nhà trường, trong đó có văn hóa ứng xử, sẽ thay đổi tích cực, dần hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc, khiến học sinh được hạnh phúc, thầy cô được hạnh phúc và trường học trở thành ngôi nhà thứ hai của mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh”, thầy giáo Phạm Hồng Hải nói.