Thay vì giao nhiều bài tập, thầy cô hãy giúp học sinh tốt hơn

Trên đây là chia sẻ của ông Martin Skelton (cố vấn đặc biệt của Hệ thống trường quốc tế ISP Vương Quốc Anh, cố vấn sáng lập trường TH School) tại hội thảo “Hạnh phúc trong giáo dục”, vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Tại hội thảo, các diễn giả quốc tế có các bài giảng cung cấp góc nhìn sâu sắc về việc tích hợp “hạnh phúc” và mục tiêu cá nhân vào môi trường giáo dục; chia sẻ những kinh nghiệm về giáo dục toàn diện và học tập cá nhân hóa; đặt mục đích và hạnh phúc là trọng tâm trong giáo dục.

Đặc biệt, hội thảo có các điểm nhấn mang tới hạnh phúc cho con trẻ thông qua giáo dục, bao gồm đa dạng về chủ đề, vừa có chủ đề mang tính chuyên môn và chuyên sâu, vừa có chủ đề thường thức thú vị, được thiết kế tập trung vào các khía cạnh cụ thể trong mô hình hạnh phúc.

Thay vì giao nhiều bài tập, thầy cô hãy giúp học sinh tốt hơn - 1

Ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (Ảnh: M. Hà).

Hạnh phúc đôi khi chỉ là giờ ra chơi

Chia sẻ kinh nghiệm về hạnh phúc trong giáo dục, ông Martin Skelton cho rằng, học hỏi là quá trình để trở nên tốt hơn. Giáo viên không nên làm cho học sinh bận rộn hơn mà giúp các em trở nên tốt hơn.

Trường học là nơi không chỉ giúp học sinh học tốt hơn, học tập hiệu quả hơn. Ở đó, thầy cô giáo bằng cách này hay cách khác, hãy khiến các em trở nên hạnh phúc.

Cũng theo chuyên gia này, học tập là hoạt động của trí não, thay đổi cách suy nghĩ, giúp bộ não gia tăng kết nối và phát triển, điều đó quan trọng hơn việc giáo viên giao cho học sinh nhiều bài tập.

Chia sẻ tại hội thảo, TS Ngô Tuyết Mai, giảng viên ĐH Flinders (Úc) mang đến câu chuyện từ thời thơ ấu, mỗi ngày đi học về bố luôn hỏi “hôm nay con có gì vui”?

“Có lẽ bố tôi mong muốn con gái nói rằng đó là môn toán, môn văn hay môn học nào đó, tôi lại bảo mình vui vì giờ ra chơi”, TS Mai cho biết.

Theo chuyên gia này, bà là người trải qua cả hai nền giáo dục trong nước và cả ở Úc và những chia sẻ hôm nay của bà dưới góc độ của một bà mẹ hạnh phúc.

Với kinh nghiệm của một người mẹ, một nhà giáo dục, bà cho rằng, để biến trường học hạnh phúc, quan trọng nhà trường phải đào tạo cho trẻ cả về trí tuệ và cảm xúc.

“Không có sự thu hút và mối quan hệ thầy – trò không tốt, bài học không diễn ra hiệu quả. Thay vì chật vật với câu hỏi “dạy như thế nào”, thầy cô hãy tạo mối quan hệ thầy – trò, giữa các đồng nghiệp với nhau và giữa nhà quản lý với nhân viên.

Nếu người thầy biết biến những giờ học trong lớp thành các hoạt động ý nghĩa, mỗi ngày đi học với các em sẽ là một ngày vui”, TS Mai nói.

Cũng dưới góc nhìn này, ông Thomas Hobson, chuyên gia tư vấn giáo dục trẻ em Hoa Kỳ, nhận định hạnh phúc không phải là công thức, không cầm nắm được, ấy là sự cảm nhận sự yêu thương.

Nếu việc học máy móc, lặp đi lặp lại, những giờ học trên trường sẽ nặng nề và các em sẽ không còn hạnh phúc.

Thay vì giao nhiều bài tập, thầy cô hãy giúp học sinh tốt hơn - 2

Ông Martin Skelton chia sẻ tại chương trình (Ảnh: M. Hà).

Thầy cô thấu hiểu lắng nghe, học trò trở nên hứng thú

Tại hội thảo, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, cho rằng trường học hạnh phúc là một phần quan trọng của khái niệm hạnh phúc trong giáo dục.

Điều chúng ta cần bàn ở đây là làm thế nào giúp học sinh có được thật nhiều niềm vui trong quá trình học? Niềm vui và sự hứng thú càng lớn lao bền vững sâu xa, việc học của người đó càng thành công, càng gặt hái được nhiều kết quả tốt.

Cũng theo người đứng đầu ngành giáo dục, người học là nhân tố cốt lõi và quyết định hạnh phúc trong giáo dục. Người học tự biết tạo ra và biết cảm nhận về hạnh phúc trong quá trình học sẽ làm được những việc hết sức lớn lao.

Trong 10 yếu tố Bộ trưởng gợi mở để giúp hình thành những trạng thái hạnh phúc cho người học trong hoạt động giáo dục, ông đặc biệt nhấn mạnh về vai trò của thầy cô.

Thầy cô luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, luôn chia sẻ là điều rất quan trọng khiến việc học của học trò trở nên hứng thú. Có nhà tu hành đã từng nói, thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới. Chỉ có những con người hạnh phúc mới có thể kiến tạo thế giới hạnh phúc.

“Trong hoạt động giáo dục, các nhà giáo cần chú ý tới giáo dục phát triển trí tuệ cảm xúc hay năng lực cảm xúc, khả năng kiểm soát và bộc lộ cảm xúc… Đây là giáo dục cách để con người sống hạnh phúc, biết tạo dựng hạnh phúc cho mình và cho mọi người”, Bộ trưởng khẳng định.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *