Đại diện Trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) cho biết, tiền lương tháng 11 của cán bộ, giáo viên nhà trường bị chậm. Nguyên nhân xuất phát từ việc ông Đoàn Hữu Khuê, Hiệu trưởng nhà trường không đi làm hơn một tháng nay nên chưa có người ký xác nhận các giấy tờ liên quan để thanh toán lương.
Trước đó, Thanh tra huyện Chư Prông ban hành kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí tại Trường THCS Lê Văn Tám và phát hiện sai phạm với số tiền hơn 31 triệu đồng. Thanh tra huyện Chư Prông cũng kiến nghị chuyển hồ sơ vụ việc sang Công an huyện Chư Prông để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Trong tháng 9, UBND huyện Chư Prông đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Đoàn Hữu Khuê, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám thời hạn 15 ngày để phục vụ công tác điều tra.
Sau đó, UBND huyện Chư Prông gia hạn đình chỉ công tác thêm 15 ngày đối với ông Đoàn Hữu Khuê.
Trong thời gian hiệu trưởng bị đình chỉ công tác, phó hiệu trưởng nhà trường được giao phụ trách, xử lý các công việc theo thẩm quyền.
Đại diện Trường THCS Lê Văn Tám cho biết, theo quy chế, việc thanh toán lương cho cán bộ, giáo viên nhà trường sẽ được thực hiện từ ngày 5 đến 15 hàng tháng. Do thiếu hiệu trưởng nên đến 20/11, UBND huyện mới chỉ đạo phó hiệu trưởng ký cấp lương cho cán bộ, giáo viên theo quy định.
Đại diện Trường THCS Lê Văn Tám cho biết, theo lịch công tác thì ông Khuê phải đi làm từ ngày 15/10. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ông này vẫn chưa đi làm trở lại. Chính vì vậy, nhiều công việc trong nhà trường bị trì trệ. Đặc biệt, việc thanh toán lương tháng 11 cho cán bộ, giáo viên nhà trường.
“Để giải quyết các công việc của đơn vị, nhà trường đã liên lạc qua điện thoại nhưng ông Khuê chỉ báo đang bận và vẫn chưa đến trường làm việc. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Prông cũng không có văn bản chỉ đạo phụ trách. Về việc này, nhà trường đã có nhiều báo cáo gửi lên Phòng Giáo dục và Đào tạo, cơ quan chức năng”, đại diện lãnh đạo nhà trường cho hay.
Trường THCS Lê Văn Tám có 907 học sinh, chia làm 18 lớp học. Toàn trường có 21 cán bộ, giáo viên phụ trách quản lý và giảng dạy. Nhà trường đang thiếu 20 biên chế so với chỉ tiêu biên chế được giao năm 2024.
Việc thiếu biên chế khiến giáo viên phải chịu áp lực rất lớn trong công tác dạy học. Ngoài ra, việc chậm lương cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý các giáo viên.
Phóng viên Dân trí cũng liên hệ nhiều lần với đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Prông nhưng không nhận được câu trả lời.