Cô giáo lớp 1 dạy học bằng… rap

Cô giáo lớp 1 dạy học bằng... rap - Ảnh 1.

Một tiết dạy của cô Phạm Minh Trang, giáo viên lớp 1/1 Trường tiểu học Đống Đa, quận Tân Bình, TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG

Để có thể đổi mới trong dạy học, cô Phạm Minh Trang luôn tìm mọi cơ hội để học hỏi. Ngoài việc đi học bồi dưỡng theo chương trình của ngành, của trường, cô còn tự bỏ tiền túi ra để học thêm những khóa bồi dưỡng online.

“Còn một cách học nữa, rất tốt và rất nhanh, đó là học từ đồng nghiệp. Vì vậy tôi tranh thủ học mọi lúc, mọi nơi. Học rồi thì áp dụng ngay vào thực tế” – cô Trang chia sẻ.

Tiết học trôi nhanh

Một ngày giữa tháng 11-2024 chúng tôi có dịp tham dự tiết học toán của lớp 1/1. Tiết học bắt đầu bằng màn khởi động hết sức vui tươi. Cả cô và trò cùng nhún nhảy theo một điệu nhạc cùng tiếng cười “hí hí” đầy thích thú của các cô cậu học sinh mới 6 tuổi.

Khi tiếng nhạc vừa dứt, cô Minh Trang cầm micro và hô lớn: “Ghế ta”, cả lớp đồng thanh đáp lại: “Ta ngồi” và nhanh chóng ngồi xuống.

Lúc này, màn hình bảng tương tác trên bục giảng hiện ra hình ảnh một cô gà mái thật đẹp: “Các bạn lớp 1/1 ơi, hôm nay gà mái sẽ đẻ cho chúng ta rất nhiều quả trứng. Cả lớp cùng đếm xem có bao nhiêu quả nào?”.

Lập tức cô gà mái “cục tác” rồi cựa mình. Các học sinh thì háo hức chờ đợi từng quả trứng rơi ra. Khi học sinh đếm đến quả trứng số 10, giáo viên giới thiệu bài học: “Hôm nay, chúng ta sẽ cùng ôn tập về số 10 nha!”.

“Các bạn lớp 1/1 ơi, các bạn có thích chơi trò chơi không?” – “Dạ thích”. “Hôm nay cô sẽ cho các bạn đi giải cứu công chúa nha, tất cả nhìn lên màn hình nào”.

Tiếp đó là một đoạn clip ngắn được cắt ra từ phim hoạt hình, đoạn kết clip là giọng nói đầy ma mị của mụ phù thủy: “Giải cứu công chúa à? Hãy vượt qua hàng rào gai của ta”…

Tiếp đó, mỗi học sinh được phát một tờ giấy có in hình hàng rào gai. Trên hàng rào là những yêu cầu học sinh làm phép tính cộng, trừ trong phạm vi 10. Khi học sinh làm bài, cô giáo không đứng trên bục giảng mà đi xuống dưới và hướng dẫn trực tiếp cho một số em…

Tiết học toán cứ thế trôi qua một cách nhanh chóng. Các học sinh phải làm việc liên tục theo yêu cầu của giáo viên với nhiều hoạt động khác nhau.

“Cô đọc rap đi cô ơi”

Cô giáo lớp 1 dạy học bằng... rap - Ảnh 2.
Cô giáo lớp 1 dạy học bằng... rap - Ảnh 3.
Cô giáo lớp 1 dạy học bằng... rap - Ảnh 4.

Một tiết dạy của cô Phạm Minh Trang ở lớp 1/1 – Ảnh: NHƯ HÙNG

Hỏi chuyện học sinh lớp 1/1 về cô Trang, các em tranh nhau nói: “Cô Trang vừa đẹp lại vừa vui tính” – Phúc Anh nhận xét. Còn theo Ngọc Di thì: “Cô Trang giảng bài hay, dễ hiểu, cô cười rất đẹp. Ngày nào cô cũng cho lớp con chơi trò chơi”.

Riêng Minh Nguyên lại kể: “Con thích cô Trang đọc rap hơn, nghe rất hay. Con thấy học lớp 1 đâu có gì khó, vui hơn học mầm non nhiều”…

Cô Phạm Minh Trang cho biết: “Thỉnh thoảng tôi có đọc rap nhưng chỉ trong một số bài phù hợp. Những lần như thế, học trò của tôi thích thú, hào hứng nhún nhảy theo, đọc theo, nhất là các nam sinh. Lâu lâu có bé còn nhắc: cô đọc rap đi cô, lâu quá rồi cô không đọc rap”.

Ở Trường tiểu học Đống Đa, 100% tiết dạy của cô Trang đều có ứng dụng công nghệ thông tin.

“Thật ra, công nghệ thông tin chỉ là công cụ hỗ trợ cho bài dạy lôi cuốn hơn. Cái chính vẫn là ý tưởng của giáo viên. Học sinh lớp 1 mới ở bậc mầm non lên, thích hình ảnh bắt mắt, thích âm thanh dễ thương, thích được chơi trò chơi…

Nhưng các em cũng hay mau chán. Thế nên ở mỗi bài học, tôi lấy “kim chỉ nam” là mục tiêu, yêu cầu cần đạt. Từ đó mình sẽ soạn bài dạy sao cho học sinh được trải nghiệm nhiều nhất có thể” – cô Trang “bật mí”.

Là người cầu toàn nên cô giáo trẻ tự lồng tiếng cho các video của mình. “Có những nhân vật, tôi phải nhờ học sinh cũ của mình nay đã lên lớp 4, lớp 5 lồng tiếng. Có những nhân vật tôi tự lồng tiếng. Còn với những lúc gấp gáp thì tôi sử dụng AI…” – cô Trang nói.

Cô giáo lớp 1 dạy học bằng... rap - Ảnh 5.
Cô giáo lớp 1 dạy học bằng... rap - Ảnh 6.
Cô giáo lớp 1 dạy học bằng... rap - Ảnh 7.

Cô trò lớp 1/1 trong một tiết dạy – Ảnh: NHƯ HÙNG

Giáo viên đa tài

Cô Phạm Minh Trang là giáo viên trẻ, năng động, sáng tạo, gương mẫu và tích cực trong mọi hoạt động của nhà trường.

Không chỉ nhiệt tình, tận tâm trong công việc, với trình độ chuyên môn vững vàng và tinh thần không ngừng học hỏi, cô Trang là nhân tố tích cực, tiên phong trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học cũng như các phong trào thi đua của trường, của ngành.

Cô đoạt giải nhì hội thi “Giáo viên dạy giỏi” cấp thành phố năm học 2020-2021, đoạt giải nhất hội thi “Giáo viên dạy giỏi” cấp quận năm học 2017-2018, năm học 2022-2023.

Ngoài ra cô Trang còn có năng khiếu múa, hát, thường làm MC trong các buổi lễ của trường. Vì vậy không chỉ được nhiều học sinh yêu mến, cô Trang còn được nhiều phụ huynh tín nhiệm, có nguyện vọng gửi gắm con em theo học.

Cô Nguyễn Thị Dung

(hiệu trưởng Trường tiểu học Đống Đa, quận Tân Bình, TP.HCM)

Buổi họp phụ huynh đặc biệt

Bé lớn nhà tôi đã được học với cô Trang cách đây hai năm. Nay bé nhỏ nhà tôi tiếp tục được học với cô ở lớp 1/1.

Về chuyên môn của cô thì không cần phải bàn cãi gì nữa. Cô không chỉ dạy giỏi, không chỉ dạy học bằng cả tình yêu thương mà ngay cả cuộc họp phụ huynh, cô cũng đầu tư thời gian, công sức và thực hiện với cả tâm huyết của mình.

Tại buổi họp phụ huynh đầu năm học 2024-2025, cô đã cho chúng tôi xem một đoạn phim về Thomas Edison – thiên tài sở hữu hơn 1.500 phát minh và sáng chế của nhân loại.

Đoạn phim kể về việc Edison mang lá thư của thầy giáo gửi cho mẹ. Bà đọc to lá thư cho con trai mình nghe: “Con trai của ông bà là một thiên tài! Nhưng ngôi trường này quá nhỏ, các giáo viên của chúng tôi không có đủ năng lực để dạy dỗ cậu bé. Bởi vậy, xin ông bà hãy tự kèm cặp con trai mình”. Kể từ đó, Edison không đến trường mà ở nhà học tập dưới sự kèm cặp, dạy dỗ của mẹ.

Nhiều năm sau đó, khi mẹ của Edison đã qua đời, còn con trai bà thì trở thành một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất thế kỷ 20. Một ngày, Edison tình cờ nhìn thấy một tờ giấy gập nhỏ được cất trong ngăn kéo bàn. Thư có đoạn: “Con trai ông bà là đứa trẻ rối trí. Chúng tôi không thể chấp nhận cho trò ấy đến trường được nữa”…

Kết thúc đoạn phim, cô Trang nói: “Mỗi đứa trẻ có ưu và khuyết điểm riêng, ba mẹ đừng so sánh con mình với con người khác. Cô Trang hay giáo viên khác thì cũng chỉ đồng hành với các con trong 9 tháng của một năm học. Còn ba mẹ thì cần đồng hành với các con cả đời. Vì vậy cô rất cần phụ huynh phối hợp với cô trong giáo dục học sinh”…

Cuộc họp phụ huynh khiến tôi “vỡ” ra được nhiều điều. Tôi thực sự cảm phục tinh thần hết lòng vì sự nghiệp giáo dục của cô.

Bà Đỗ Ngọc Yến Vy

(phụ huynh lớp 1/1 Trường tiểu học Đống Đa)

Cô giáo lớp 1 dạy học bằng... rap - Ảnh 2.Đổi mới giáo dục: Hãy để giáo viên được ‘sáng tạo’ đúng nghĩa

Để giáo viên sáng tạo trong tổ chức hoạt động dạy học, những giờ dạy trên lớp không nên quá gò bó về mặt thời gian. Điều này cần đến một ban giám hiệu phải có tính chủ động, sáng tạo.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *