Giảng viên cần phải ‘thông minh’ hơn ChatGPT

Giảng viên cần phải 'thông minh' hơn ChatGPT - Ảnh 1.

Ông Tăng Hữu Phong – phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM (phải) – tặng hoa cho ban tổ chức hội thảo – Ảnh: TRẦN HUỲNH

Sáng 22-11, hội thảo khoa học quốc gia “Ảnh hưởng của ChatGPT và các công cụ tương tự đối với chất lượng dạy, học các môn lý luận chính trị” do Trường đại học Tài chính – Marketing phối hợp với Ban Tuyên giáo Đảng ủy khối đại học, cao đẳng TP.HCM tổ chức với sự tham dự của gần 100 nhà khoa học.

ChatGPT đặt ra nhiều thách thức lớn cho giảng viên

Theo đại tá, TS Phạm Văn Quốc (Trường đại học Nguyễn Huệ), sự xuất hiện của ChatGPT là bước đột phá trong công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), có tác động lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục nói chung và giáo dục lý luận chính trị nói riêng.

Theo nghiên cứu ở một số cơ sở đào tạo lý luận chính trị, với sự hỗ trợ của ChatGPT, cả người dạy và người học rút ngắn thời gian để tìm kiếm thông tin hơn so với trước; chuẩn bị một bản thảo đề cương cho môn học chỉ mất khoảng 30 phút, thậm chí nhanh hơn.

Bên cạnh các ưu điểm, ứng dụng này cũng đặt ra các thách thức lớn cho đội ngũ giảng viên và các cơ sở đào tạo trong việc thay đổi phương pháp giảng và cách kiểm tra, đánh giá người học hay thay đổi chuẩn chương trình.

“Khó khăn, thách thức mà giáo dục lý luận chính trị phải đối mặt trong những năm tới sẽ lớn hơn khi mà ChatGPT ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Hiện tại, hệ thống giáo dục của khá nhiều nước bày tỏ lo ngại rằng ứng dụng AI sẽ giúp sinh viên dễ dàng gian lận trong thi cử và đạo văn”, ông Quốc nhận định.

PGS.TS Phạm Thị Kiên (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng: “Khi sử dụng ChatGPT, sinh viên có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin và trả lời các câu hỏi mà không cần đến sự hướng dẫn của giảng viên, điều này làm giảm cơ hội tương tác trực tiếp và làm mất đi tính kết nối giữa giảng viên và sinh viên.

Thêm vào đó, ChatGPT có thể làm giảm khả năng tập trung và chú ý của sinh viên, khi các em dễ bị phân tâm bởi các thông báo và tin nhắn khác trong quá trình học tập.

Ngoài ra, sự phụ thuộc vào ChatGPT có thể làm giảm cơ hội phát triển kỹ năng giao tiếp trực tiếp của sinh viên với giảng viên và bạn bè cùng lớp, ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp của sinh viên trong tương lai”.

Giảng viên cần phải thông minh hơn ChatGPT - Ảnh 2.

Các nhà khoa học khẳng định ChatGPT không thể thay thế giảng viên trong giảng dạy – Ảnh: TRẦN HUỲNH

Cần khuyến khích sử dụng ChatGPT trong dạy và học

Theo TS Quốc, dù còn nhiều lo ngại về những tác động tiêu cực, thách thức tiềm ẩn, nhưng nếu có cách tiếp cận đúng đắn, có giải pháp phù hợp thì ChatGPT sẽ trở thành một công cụ hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển của phương thức giáo dục lý luận chính trị.

“Trong giáo dục lý luận chính trị không những không loại bỏ ChatGPT ra khỏi quá trình giáo dục, mà còn phải tích cực khuyến khích sử dụng và tìm cách biến thách thức thành điều kiện nâng cao chất lượng của chính quá trình giáo dục lý luận chính trị ở mỗi cơ sở đào tạo”, ông Quốc nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông kiến nghị phải đổi mới hình thức đánh giá bằng cách giảm tối đa việc dựa trên cách viết bài luận và tăng tối đa hình thức vấn đáp, trao đổi trực tiếp để đánh giá, đánh giá thông qua các bài thuyết trình.

Tương tự, PGS.TS Phạm Thị Kiên cũng cho rằng hiện nay không thể cấm sinh viên sử dụng ChatGPT. Việc ứng dụng ChatGPT trong giáo dục mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng đặt ra một số thách thức nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Một trong những vấn đề chính là thiếu sự tương tác trực tiếp giữa giảng viên và sinh viên.

Cần đổi mới phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo định hướng sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, kết hợp phương pháp dùng lời nói với phương pháp trực quan và phương pháp thực tiễn.

Do vậy, giảng viên cần trở thành những nhà sáng tạo nội dung thật sự, cần phải nêu cao tinh thần chủ động, tích cực, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, để ChatGPT thực sự trở thành phương tiện trong giảng dạy, nghiên cứu.

Giảng viên cần phải thông minh hơn ChatGPT - Ảnh 4.

Các nhà khoa học phát biểu tại hội thảo sáng 22-11 – Ảnh: TRẦN HUỲNH

Đề cao tính liêm chính khoa học thuật

TS Đặng Thị Minh Phượng (Trường đại học Công nghiệp TP.HCM) cũng nhận định trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, ChatGPT có tác động tích cực vào quá trình giảng dạy bằng cách cung cấp những trải nghiệm mới, đồng thời cũng tồn tại những tiêu cực tiếp tục cần được nghiên cứu, lý giải nhằm phát huy những tiềm năng, thế mạnh, hạn chế những rủi ro, bất cập của ChatGPT khi giảng dạy các môn học lý luận chính trị trong các trường đại học hiện nay.

Giảng viên dạy những môn học này không những phải truyền đạt kiến thức lý luận, thực tế mà còn cần khuyến khích tư duy phê phán, phản biện, phân tích các quan điểm, nguồn tư liệu, sử liệu cần thiết cho sinh viên.

Đối với giảng viên “phụ thuộc” vào ChatGPT, sử dụng ChatGPT để tạo bài giảng hoặc giải đáp thắc mắc nhanh chóng có thể làm giảm tính sáng tạo và khả năng tự tìm hiểu tài liệu học thuật, dẫn đến việc thụ động trong quá trình giảng dạy.

“Giảng viên tuyệt đối không được lệ thuộc từ ý tưởng, nội dung, phương pháp… vào các vấn đề do ChatGPT gợi mở. Mặt khác, càng phải đề cao tính liêm chính khi học thuật, không sao chép, không trở thành “cỗ máy” làm theo những nội dung mà ChatGPT đề xuất”, bà Phượng lưu ý.

Giảng viên cần phải thông minh hơn ChatGPT - Ảnh 5.Gần 90% sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM sử dụng ChatGPT để học tập

AI, ChatGPT mở ra nhiều cơ hội và thách thức mới trong lĩnh vực nghiên cứu và giáo dục, đặc biệt là trong giảng dạy ngôn ngữ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *