Mới đây, một tài khoản chia sẻ lên hội nhóm phụ huynh câu chuyện trẻ tiểu học kiếm tiền từ bạn cùng lớp bằng việc làm bài tập thuê. Câu chuyện nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều người.
Hàng trăm bình luận bên dưới cho thấy đây không phải trường hợp cá biệt.
“Con mình từ cấp 1 đã mua giấy thủ công về bán cho bạn cùng lớp. Lên cấp 2 thì chép bài hộ. Các bạn muốn trả bao nhiêu thì trả nhưng không dưới 10.000 đồng. Hôm nào chép hộ các bạn “rich kids” (con nhà giàu) còn được bo thêm gấp mấy lần nữa nên phấn khởi lắm”.
“Con mình đi thi, chỉ bài bạn một môn 20.000 đồng”.
“Con mình cho bạn nhìn bài giá 20.000 đồng”.
“Bạn bị cô phạt chép 100 lần. Con mình nhận chép phạt thuê giá 5.000 đồng/trang”.
Hình thức kiếm tiền của học sinh còn vào cả nhà ăn. Một số tài khoản cho biết việc trẻ kiếm tiền bằng ăn thuê phổ biến từ mẫu giáo. Để không bị cô giáo bán trú mắng vì không ăn hết suất, nhiều học sinh nhờ bạn ăn giúp và trả công bằng tiền hoặc đồ chơi.
Trước tình trạng này, phụ huynh chia phe tranh cãi trên mạng.
Một bên xem đây là việc bình thường và chính đáng, bởi trẻ kiếm tiền bằng sức lao động và “chất xám” của mình, không lừa gạt ai.
Một bên cho rằng hành vi của trẻ có tính trục lợi, thiếu sự hồn nhiên, vô tư, lâu dài sẽ hình thành tính cách ích kỷ, thực dụng.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, cô Vũ Thị Hoa, giáo viên tiểu học tại Hà Nội, cho rằng không nên vội vàng chỉ trích hay ủng hộ trẻ trong trường hợp này.
“Trước hết, hành vi làm bài tập thuê, chép bài thuê, chỉ bài cho bạn trong giờ thi hay cho bạn quay cóp bài là hoàn toàn sai khi đối chiếu với các quy định trường học.
Do đó, kiếm tiền trên hành vi sai không thể là việc nên ủng hộ.
Có thể ở độ tuổi này, học sinh chưa ý thức được hệ quả của việc mình làm. Nhưng phần đa các con đều biết mình đang làm việc không đúng. Bằng chứng là các con làm việc này trong bí mật, giấu diếm.
Nếu cha mẹ biết mà xem đó là bình thường, thậm chí đùa vui, khen ngợi con vì sự nhanh nhạy, linh hoạt trong việc kiếm tiền, khả năng kiếm tiền sớm từ năng lực học hành… là cha mẹ đang hại con.
Bởi đứa trẻ sẽ có nguy cơ vi phạm những quy tắc xã hội, pháp luật và những giá trị đạo đức lớn hơn trong tương lai”, cô Hoa phân tích.
Tuy nhiên, cô Hoa nhấn mạnh không nên đánh giá đạo đức của trẻ vì hành vi sai. Theo cô Hoa, hành vi sai có nhiều nguyên nhân khác nhau.
Có thể học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn tiền bạc. Có thể học sinh sao chép vô thức hành động của người lớn mà áp dụng sai bối cảnh. Cô Hoa cũng từng gặp trường hợp học sinh bị đe dọa, ép buộc phải tham gia nhóm làm bài tập thuê.
“Giáo viên cần cẩn trọng tìm hiểu và đánh giá các nguyên nhân trước khi trò chuyện với học sinh để phân tích đúng sai. Cuộc trò chuyện cần riêng tư nhất có thể để danh dự, lòng tự trọng của trẻ không bị tổn thương”, cô Hoa nói.
Cùng quan điểm, chuyên gia tham vấn tâm lý Trần Thị Huyền Trang chia sẻ: “Theo lý thuyết học tập xã hội của Albert Bandura, hành vi của trẻ em là kết quả của việc học từ quan sát và mô phỏng hành vi của người khác, đặc biệt là những người có ảnh hưởng trong cuộc sống của trẻ, như bạn bè, gia đình và xã hội.
Nếu trong môi trường học tập, bạn bè hoặc thầy cô có hành vi thiếu trung thực hoặc chấp nhận việc chép bài, trẻ sẽ có xu hướng mô phỏng những hành vi này.
Việc làm bài hộ hoặc chép bài thuê không chỉ đơn giản là hành động kiếm tiền mà còn là sự phản ánh cách mà trẻ nhìn nhận các giá trị xã hội xung quanh mình”.
Từ thực tế này, bà Trang khuyên các bậc cha mẹ cần phản ứng một cách thận trọng và hợp lý trước việc con kiếm tiền từ bạn cùng lớp thông qua dịch vụ làm bài tập thuê.
Theo bà Trang, việc cha mẹ cần làm đầu tiên là dành thời gian lắng nghe con để hiểu lý do tại sao con lại chọn cách kiếm tiền như vậy.
Việc hiểu rõ động cơ của trẻ sẽ giúp cha mẹ đưa ra ứng xử hợp lý.
“Chẳng hạn, nếu trẻ muốn kiếm tiền để tiêu vặt, mua món đồ yêu thích, cha mẹ có thể giải thích rằng có nhiều cách kiếm tiền bằng lao động chân chính, hữu ích hơn và phù hợp độ tuổi mà vẫn giúp trẻ phát triển kỹ năng sống. Ví dụ thu gom phế liệu, làm đồ thủ công, bán đồ ăn nhà làm…
Cha mẹ cũng cần giải thích về trách nhiệm học tập của từng cá nhân. Bài tập về nhà không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là cơ hội để học hỏi, phát triển tư duy và rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề của từng học sinh. Chỉ khi tự mình làm bài tập, trẻ mới có thể hiểu và nắm vững kiến thức.
Vì thế, việc trẻ làm bài hộ bạn không phải là giúp bạn có tiền công mà là hại bạn.”
Cô Vũ Thị Hoa nói thêm: “Khi con trẻ biến bạn bè quanh mình thành cơ hội kiếm tiền, trẻ sẽ khó xây dựng một mạng lưới các mối quan hệ lành mạnh trong tương lai. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống.
Thêm vào đó, trẻ cần hiểu rằng, tiền bạc không phải lợi nhuận duy nhất. Nếu mọi sự hỗ trợ bạn bè đều được quy ra tiền, trẻ cũng sẽ bị ứng xử như vậy. Số tiền kiếm được đó tuy nhiều mà ít, nếu so với lợi nhuận mà các mối quan hệ lành mạnh tạo ra sau này”.