Hơn 3.000 sinh viên Việt Nam theo học các trường đại học ở Nga

Thông tin trên vừa được đưa ra chiều nay (22/11) tại Hội thảo quốc tế “Tiếng Nga và văn hóa Nga trong thế giới đương đại: các vấn đề nghiên cứu và giảng dạy cho người nước ngoài”, do Trường ĐH Hà Nội phối hợp với Đại học Tổng hợp Quốc gia Voronezh (Liên bang Nga) tổ chức.

Theo GS.TS. Trupandina Elena Evgenhevna, Quyền Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Quốc Gia Voronezh, tiếng Nga là một trong những ngôn ngữ quốc tế, được hơn 250 triệu người sử dụng, đứng thứ năm sau các ngôn ngữ: Tiếng Anh, Tây Ban Nha, tiếng Trung và tiếng Pháp.

Hiện có hơn 3.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học ở Nga, trong đó có hơn 2.300 sinh viên được đào tạo theo diện Hiệp Định và được chi trả toàn bộ học phí.

GS.TS. Trupandina Elena Evgenhevna cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, nghiên cứu tiếng Nga sẽ mở ra cho người học nhiều cơ hội trong các lĩnh vực khác nhau, từ kinh doanh, khoa học đến văn hóa và nghệ thuật.

Việc biết tiếng Nga mở ra nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp cho sinh viên Việt Nam, giúp họ tiếp cận thị trường lao động nói tiếng Nga và hội nhập văn hóa.

Tại Việt Nam, sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt – Nga, đặc biệt trên các lĩnh vực kinh tế, du lịch, năng lượng, dầu khí và quốc phòng, đã góp phần làm sống dậy sự quan tâm đến ngôn ngữ, giáo dục và khoa học Nga.

Chia sẻ tại hội thảo, TS Lương Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho hay, tiếng Nga đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các quốc gia.

Hơn 3.000 sinh viên Việt Nam theo học các trường đại học ở Nga - 1

TS Lương Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội (Ảnh: M. Hà).

Tại Việt Nam, sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt – Nga, đặc biệt trên các lĩnh vực kinh tế, du lịch, năng lượng, dầu khí và quốc phòng, đã góp phần làm sống dậy sự quan tâm đến ngôn ngữ, giáo dục và khoa học Nga.

Với sự tham dự của gần 100 đại biểu trong nước và quốc tế, hội thảo sẽ tập trung thảo luận các vấn đề như: Vai trò của tiếng Nga trên thế giới hiện nay; Nghiên cứu văn hóa và văn học Nga; Phương pháp giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ; Xây dựng chương trình đào tạo tiếng Nga các bậc học; Biên soạn giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy tiếng Nga…

Ông Sloma Oleg Stanislavovich, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Cộng hòa Belarus tại Việt Nam cho hay, trước đây hàng chục nghìn người Việt Nam đã được đào tạo, học tập bằng tiếng Nga.

Ở giai đoạn hiện nay, chúng ta cần phải giữ gìn và vun đắp truyền thống quý báu này. Để làm được điều đó, giáo dục đóng một vai trò vô cùng to lớn.

Hơn 3.000 sinh viên Việt Nam theo học các trường đại học ở Nga - 2

Sinh viên tham gia hội thảo (Ảnh: M. Hà).

“Hiện chúng tôi đang duy trì thực hiện chương trình học bổng của Chính phủ. Trong khuôn khổ hợp tác trực tiếp giữa các trường đại học, chúng tôi có các chương trình trao đổi sinh viên và giảng viên.

Việc xây dựng, mở rộng và làm sâu sắc hơn hoạt động ngoại giao hết sức quan trọng để không làm mất đi di sản mà các thế hệ trước để lại”, ngài Sloma Oleg Stanislavovich nói.

Trả lời phóng viên Dân trí trước đó, lãnh đạo Trường ĐH Hà Nội cho hay, những năm gần đây, các ngành ngôn ngữ hiếm thu hút nhiều thí sinh đăng kí. Tỷ lệ thí sinh nhập học cao, chỉ tiêu tuyển sinh ổn định.

Đặc biệt, tỷ lệ việc làm của sinh viên các ngành ngôn ngữ hiếm sau khi ra trường khá tốt với tỷ lệ 90-92%.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *