Bài viết “Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Đang chủ trương không cấm dạy thêm”, liên quan một số vấn đề tại phiên thảo luận về dự Luật Nhà giáo vào sáng 20-11, thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc.
Góp thêm góc nhìn, bạn đọc Vũ Thị Minh Huyền có bài viết gửi đến Tuổi Trẻ Online.
Không cho con đi học thêm nhưng vẫn băn khoăn vì sợ thua bạn
Những ngày gần đây, nhiều phụ huynh quan tâm khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo thông tư quy định về dạy thêm học thêm để lấy ý kiến, đặc biệt về nội dung không cấm giáo viên được dạy thêm ngoài trường.
Tôi đang là viên chức của một trường đại học công lập. Những giảng viên dạy đại học, cao đẳng như tôi có muốn dạy thêm cũng không có cơ hội nhiều, bởi sinh viên không ai đi học thêm.
Nhưng dù không dạy thêm, tôi vẫn quan tâm vấn đề này vì có con gái nhỏ đang học lớp 4.
Tôi chưa từng cho con đi học thêm môn văn hóa nào, chỉ sáng thứ bảy và chủ nhật hằng tuần mới đưa con đi học múa và đàn piano để thư giãn đầu óc.
Tuy nhiên xung quanh tôi, có rất nhiều phụ huynh đăng ký cho con học thêm các môn văn hóa cả buổi tối và cuối tuần. Thậm chí cô bạn tôi còn cho con đi học thêm các môn của giáo viên chủ nhiệm, đi học thêm toán, tiếng Anh… dù cháu mới học tiểu học.
Chương trình giáo dục của Việt Nam hiện nay khá nặng. Trong khi đó, với thời gian học trên lớp, giáo viên chỉ có thể truyền tải đến học sinh một lượng kiến thức cơ bản. Vì thế việc học thêm là nhu cầu chính đáng.
Chỉ có điều lâu nay nhiều cá nhân lạm dụng và việc học thêm bị biến tướng, khiến nhiều người có cái nhìn thiếu thiện cảm.
Vì vậy, dù không cho con đi học thêm, đôi lúc tôi cũng băn khoăn liệu con mình có thua kém bạn bè khi không đi học thêm và việc sợ con thua bạn có lẽ là một thực tế không tránh khỏi.
Làm gì để không còn cái nhìn thiếu thiện cảm với việc dạy thêm?
Đã có người hỏi bác sĩ có quyền mở phòng khám tại nhà thì tại sao giáo viên không được dạy thêm tại nhà?
Thay vì cấm đoán, nên có quy định cụ thể để hoạt động dạy thêm, học thêm được công khai minh bạch.
Theo nội dung dự thảo thông tư quy định về dạy thêm học thêm, giáo viên được dạy thêm học sinh của mình ở ngoài trường, chỉ cần báo cáo và lập danh sách (gồm họ tên, lớp của học sinh) gửi hiệu trưởng, đồng thời cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép học trò học thêm.
Như vậy, hiệu trưởng sẽ có cơ sở để nắm rõ về việc dạy thêm với từng giáo viên. Thậm chí có thể phát hiện giáo viên dạy thêm đúng quy định và có hiệu quả trong việc nâng cao kiến thức cho học sinh để biểu dương và tạo hình mẫu.
Những điểm mới trong dự thảo này chính là cách nhìn tích cực của ngành trong việc thay đổi cách tiếp cận và minh bạch hơn vấn đề dạy thêm, có một số điều chỉnh nhằm hướng đến quản lý dạy thêm học thêm phù hợp với tình hình thực tế và tăng tính công khai, minh bạch.
Việc hướng đến là cấm những hiện tượng tiêu cực, chứ không cấm những nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy và người học.
Để hài hòa, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xây dựng một khung pháp lý chặt chẽ đối với hoạt động dạy – học thêm. Muốn kiểm soát tốt hoạt động này, cần thực hiện đồng thời một số giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, đưa dạy thêm trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Sở giáo dục và đào tạo, các cấp có thẩm quyền cấp phép, quản lý, ai muốn dạy ra đó đăng ký, đóng thuế cho Nhà nước theo doanh thu thực tế. Nhà nước thống nhất giá cả dạy thêm theo vùng miền (có biên độ thích hợp) cho mỗi tiết học.
Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xây dựng quy định cụ thể và giao trách nhiệm quản lý xuống từng địa phương, thậm chí từng trường học. Địa phương phải có trách nhiệm giám sát và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo.
Bên cạnh đó các nhà trường và cơ quan quản lý giáo dục nên mở các kênh thông tin góp ý công khai, rộng rãi.
Khi có các kênh thông tin góp ý và đảm bảo yếu tố bảo mật thông tin cho người nêu ý kiến thì sẽ có nhiều học sinh, phụ huynh giám sát đối với những giáo viên ép học sinh đi học thêm.
Việc dạy và học thêm sẽ thật sự cần thiết nếu học sinh tự nguyện đi học, học vì yêu thích chứ không phải học vì gánh nặng điểm số, vì sợ giáo viên trù dập.
Việc có một số thay đổi trong dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm là điều cần thiết để ngành giáo dục có thể quản lý tốt hơn.