Trong bài đề dẫn tại diễn đàn giáo dục RedefinED 2024 có chủ đề “Nghênh đón đổi thay: Trao quyền cho sự tự tin và hạnh phúc”, Giáo sư Deborah Eyre đã nêu một nghiên cứu từ năm 1968. Nghiên cứu này tìm hiểu về cách mà những kỳ vọng của giáo viên có thể tác động đến học sinh như thế nào.
Theo đó, nghiên cứu chia học sinh trong lớp thành các nhóm khác nhau, và lưu ý đặc biệt với giáo viên về một nhóm gồm những học sinh có tiềm năng học tập.
Giáo viên đặt kỳ vọng cao vào nhóm học sinh này. Kết quả là sau một thời gian, tất cả học sinh trong nhóm tiềm năng đều đạt thành tích cao.
Tuy nhiên, sự thực là giáo viên đã không được cung cấp thông tin đầu vào đúng. Các học sinh trong nhóm tiềm năng thực ra được lựa chọn rất ngẫu nhiên. Nhưng bởi vì giáo viên tưởng rằng đây là nhóm tiềm năng nên đã đặt kỳ vọng. Sự kỳ vọng đó đã tạo ra hiệu quả tích cực đối với học sinh.
Trong một cuộc khảo sát khác, GS Deborah Eyre đã hỏi giáo viên và phụ huynh cùng một câu hỏi trắc nghiệm: “Có bao nhiêu phần trăm học sinh ở trường bạn có khả năng đạt thành tích cao?”. 4 đáp án cho người tham gia khảo sát chọn lựa là: 36%, 57%, 83% và 99%.
“Giáo viên chọn 36%, học sinh chọn 57%, nhưng câu trả lời đúng là 99%. Chúng tôi tin là bất kỳ học sinh nào cũng có thể được đào tạo để trở thành người có thành tích cao, nếu được giáo viên kỳ vọng”, GS Deborah Eyre khẳng định.
Dẫn chứng chuyện học lái xe, nữ giáo sư phân tích: có những người học lái rất đơn giản, thi một lần là đỗ luôn và cũng có những người rất khó khăn, phải thi nhiều lần mới đỗ. Tuy nhiên, không thể nhận định rằng người thi đỗ ngay lần đầu tiên sẽ lái xe tốt hơn người phải thi nhiều lần.
“Việc bạn mất bao lâu mới qua được bài sát hạch không quyết định bạn có lái xe giỏi hay không.
Tương tự trong trường học, chúng ta hay nghĩ học sinh nắm bắt được bài học nhanh nhất là học sinh giỏi nhất, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy học sinh mất nhiều thời gian hơn để nắm được kiến thức vẫn có khả năng tiến xa trong học tập.
Cùng một đích đến, có học sinh đi nhanh hơn, có học sinh đi chậm hơn. Điều giáo viên cần làm là sự kiên nhẫn để có nhiều học sinh đi đến đích.
Nếu học sinh chưa thực hiện được yêu cầu, chưa đạt được mức độ mà ta mong muốn, đó chỉ là vấn đề thời gian”, tác giả sách Học tập siêu hiệu quả nhấn mạnh.
Theo GS Deborah Eyre, việc dạy học bao gồm 3 yếu tố: Dạy gì, dạy như thế nào và kỳ vọng gì về học sinh. Trong đó, bà chú trọng đến yếu tố thứ 3.
Hiệu quả của việc dạy gì mà dạy như thế nào chỉ có thể đạt được khi giáo viên có sự kỳ vọng đúng vào học sinh của mình.
Từ kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu 40 năm, GS Deborah Eyre khẳng định lời nói của giáo viên tác động mạnh mẽ đến kết quả học tập của học sinh. Học sinh được giáo viên khen ngợi sẽ đạt kết quả học tập tích cực hơn và ngược lại.
Việc khen ngợi, động viên của giáo viên sẽ giúp gia tăng hạnh phúc và sự hứng thú của học sinh với học tập, từ đó học tập hiệu quả hơn.
Bà Deborah Eyre dùng hình ảnh chuỗi xoắn kép ADN để mô tả cho sự cần thiết của việc cần song hành hai yếu tố thành tích học tập và hạnh phúc trong môi trường học đường.
Trong cuốn sách Học tập siêu hiệu quả, GS Deborah Eyes giải đáp hai câu hỏi là nỗi trăn trở của mọi trường học hiện đại: Làm thế nào để học sinh của mình trở thành những người học hiệu suất cao? Làm thế nào để trường học của mình có chất lượng cao, vươn tới đẳng cấp thế giới?
TS Nguyễn Thị Thu Anh – Thành viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực Việt Nam – nhận định: “Mô hình học tập siêu hiệu quả có thể dễ dàng được áp dụng với mọi trường học và ở mọi độ tuổi.
Mỗi thầy cô sẽ trở thành một chuyên gia về dạy học phát triển năng lực nhận thức bậc cao và là tấm gương thể hiện các giá trị, thái độ và phẩm chất mà họ đang mong muốn phát triển ở học sinh của mình.
Chúng ta có quyền tin rằng, Việt Nam sẽ có những trường học đẳng cấp thế giới không chỉ đảm bảo kết quả học tập xuất sắc mà còn phát triển năng lực tư duy, tự tin xã hội và trải nghiệm giáo dục đa dạng cho học sinh”.
GS Deborah Eyre, người sáng lập và Chủ tịch tổ chức High Performance Learning (HPL) là một nhà lãnh đạo giáo dục, nhà nghiên cứu, nhà văn. Bà từng đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao cũng như làm cố vấn cho các chính phủ, các trường trung học, đại học và các tổ chức giáo dục tại Vương quốc Anh, UAE, Hồng Kông, Nam Phi, Ả Rập Xê Út, Mỹ và Singapore. Những cuốn sách gần đây nhất của bà gồm có Học tập siêu hiệu quả: Làm thế nào để trở thành trường học đẳng cấp thế giới? (High Performance Learning: How to Become a World Class School) và Nuôi dưỡng những tư duy vĩ đại (Great Minds and How to Grow Them).
Cuốn sách Học tập siêu hiệu quả của GS Deborah Eyre đã được bà Nguyễn Thị Minh Thúy – Hiệu trưởng Trường Nguyễn Siêu – dịch sang tiếng Việt. Trường Nguyễn Siêu cũng là trường học đầu tiên áp dụng mô hình Học tập siêu hiệu quả tại Việt Nam, kể từ năm 2023.