Bộ GD-ĐT phối hợp với UNESCO tổ chức hội thảo “Khung chính sách và pháp lý đối với nhà giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa – Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất đối với Việt Nam”.
Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã trao đổi, đề xuất nhiều ý kiến liên quan đến thiết lập chính sách thu hút nhà giáo, nâng cao chất lượng, phát triển đội ngũ nhà giáo, kinh nghiệm xây dựng luật về nhà giáo…
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, trách nhiệm của nhà giáo rất cao trong tất cả các bậc học. Nếu như họ không có lòng yêu nghề, yêu trẻ, tinh thần trách nhiệm và vai trò để thực hiện sứ mệnh của mình thì rất khó để đảm trách vị trí của nhà giáo.
Bà Phụng cho hay, trước khi làm quản lý giáo dục, bà cũng là nhà giáo khoảng 25 năm và thấy rằng “nhà giáo không có lúc nào là xong việc”.
“Không có thời gian nghỉ đúng nghĩa. Xã hội đòi hỏi nhà giáo phải mẫu mực trong mọi sinh hoạt đời thường, trong gia đình, xã hội… và gần như chúng ta không tách được hình ảnh, vai trò của nhà giáo với việc họ cũng là một cá nhân bình thường trong xã hội và cũng có nhu cầu như những người khác. Vậy thì chính sách, chế độ đối với nhà giáo có tính được những được yêu cầu ở mức cao, ở mức toàn diện như vậy hay không?”, bà nói.
Bà Phụng mong các chuyên gia quốc tế có khuyến nghị cho các nước đang có mức thu nhập thấp hoặc chưa thực sự hấp dẫn cho nhà giáo.
“Làm thế nào để trả lương tương xứng cho nhà giáo với những yêu cầu của xã hội đối với nhà giáo rất cao như vậy?”, bà Phụng đặt câu hỏi.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, để khẳng định vị trí, vai trò của nhà giáo, Bộ đã đề xuất Chính phủ xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo với phương châm nhất quán nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo, chuyển từ quản lý hành chính sang quản lý về chất lượng; làm sao để thu hút, giữ chân những người tài vào nghề sư phạm, yên tâm cống hiến.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay, các nước tiên tiến và có truyền thống về giáo dục đều xác định rất rõ vị thế, vai trò của nhà giáo hết sức quan trọng đối với sự hưng thịnh của quốc gia. Đầu tư cho giáo dục, phát triển nhà giáo chính là đầu tư cho sự phát triển, cho hiện tại và tương lai.
“Các ý kiến được trao đổi tại hội thảo đều truyền đi một thông điệp, nêu kinh nghiệm xây dựng các chính sách nhà giáo theo hướng tăng cường và thuận lợi nhất để thu hút và phát triển đội ngũ nhà giáo. Chính sách không phải chỉ là vấn đề tiền lương mà còn là điều kiện làm việc, không gian sáng tạo, không gian làm việc, môi trường văn hóa học đường, thái độ đối với nhà giáo để họ có thể sống được bằng nghề, giữ được phẩm chất, sự tôn nghiêm…”, ông Thưởng nói.
“Đây không phải ưu đãi, biệt đãi đối với nhà giáo mà là những chính sách cơ bản, tối thiểu phù hợp với sức lao động và sáng tạo của nhà giáo, và kinh nghiệm trên quốc tế đã chứng minh việc đó”.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay, trong thời gian tới, tham khảo ý kiến chuyên gia, Bộ sẽ tiếp tục bổ sung nhiều chính sách hơn và khả thi hơn.
‘Lương thấp dễ khiến giáo viên giảm động lực với nghề’