Sáng 16-11, anh Nguyễn Thành Hoa dành ngày thứ bảy sau một tuần đầy bận rộn để đến Trường cao đẳng Kinh tế TP.HCM dự lễ chúc mừng ngày 20-11 và kỷ niệm 35 năm thành lập trường.
Đi cùng với anh là nhiều anh chị em đồng môn, những người lâu nay cũng vì cuốn vào vòng xoáy bận rộn của cuộc sống mà nay mới có dịp tề tựu về trường xưa.
Đi học trễ 15 phút là ở ngoài
Anh Hoa đến sự kiện rất sớm và nóng lòng gặp gỡ người thầy từng đứng lớp mình cách đây hơn 20 năm – một trong những người anh cho rằng có ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp của anh hiện tại. Đó là thầy Nguyễn Thanh Ký – từng dạy lớp anh một số môn về quản trị kinh doanh, đồng thời cũng là hiệu trưởng nhà trường khi đó.
Anh nhớ lại thầy rất khó và nghiêm khắc. Trong mỗi buổi dạy, yêu cầu trước hết mà thầy yêu cầu sinh viên trong lớp phải tuân thủ là đúng giờ. Quy định được thầy đưa ra ngay từ buổi học đầu tiên là nếu trễ 15 phút, sinh viên sẽ được mời ra ngoài và không được vào lớp cho đến hết tiết.
Ngay cả những tiết học rất sớm, như vào lúc 13h, thầy vẫn bắt buộc học sinh đến đúng giờ. Một số bạn lấy lý do ngủ trưa quên giờ hay kẹt xe, thầy đều không cho là thuyết phục.
“Thầy thường nói những lý do đó, các bạn hoàn toàn có thể chủ động khắc phục, đặt báo thức sớm hơn hay đi sớm hơn để tránh tuyến đường kẹt xe. Thầy nói chỉ việc đúng giờ mà mỗi người không làm chủ được thì sao có thể làm chủ được cuộc sống vốn có rất nhiều sự bất ngờ và biến động sau này? Còn trong công việc, đúng giờ là một trong những biểu hiện của sự chuyên nghiệp cao nhất”, anh Hoa nhớ lại.
Thời gian đầu, nhiều bạn vẫn chưa quen nên thường đi trễ. Một số bạn bị thầy mời ra khỏi lớp ban đầu cũng chưa biết phải xử lý thế nào, xin lỗi ra sao. Cũng có bạn nghĩ thầy lúc đó đang là hiệu trưởng nên dùng quyền lực để “thị uy” với sinh viên. Nhưng chỉ một tháng, lớp học bắt đầu vô guồng và tất cả đều thấy ổn khi có mặt đúng giờ học. Rồi thì các bạn lại tự động đến sớm hơn 5 phút, 10 phút rồi 15 phút so với giờ quy định.
Tốt nghiệp xong, anh Hoa về làm nhân viên cho một công ty logistics tại TP.HCM, rồi sau đó mở công ty riêng. Giờ đây, anh là doanh nhân thành đạt, hiện là giám đốc Công ty TNHH thương mại vận tải quốc tế Trọng Khang và giám đốc Công ty TNHH sản xuất nhựa Trọng Khang. Bài học về sự đúng giờ luôn đi theo anh và được anh áp dụng trong mỗi công ty.
Chẳng hạn nhân viên trong từng bộ phận đều bắt buộc phải đúng giờ. Trong các cuộc họp liên bộ phận, bộ phận nào đi trễ sẽ bị tính thời gian đi trễ và cộng dồn trong năm. Một năm, bộ phận trễ quá 120 phút sẽ bị cắt thi đua. Ngoài ra, anh còn đầu tư thêm các nguồn lực về công nghệ để tối ưu hóa hệ thống sản xuất, vận chuyển của mình.
“Thời gian cũng là một nguồn tài sản, nếu muốn kinh doanh thành công, bạn không được lãng phí thời gian. Đây là những gì bản thân tôi đã thấm thía bài học thầy Ký cho tôi suốt 20 năm qua”, anh Hoa nói.
Cả buổi học rửa ly tách
Anh Hồng Quốc Trung hiện là giám đốc Công ty TNHH tư vấn đầu tư và quản lý khách sạn, nhà hàng Mekong. Gần 20 năm từ ngày ra trường đến nay, trải qua từ những vị trí thấp nhất trong ngành F&B đến nay đã thành công với doanh nghiệp riêng, anh vẫn nhớ như in khoảng thời gian được học với thầy Nguyễn Hữu Nghĩa tại Trường trung cấp Khách sạn và Du lịch Saigontourist (TP.HCM).
Đó là năm 2007, thầy Nghĩa là trưởng bộ môn nhà hàng của trường, còn anh Trung sau 4-5 năm “lăn lộn” đi làm đã quyết định trở lại học trung cấp để có một chuyên môn hẳn hoi. Trong mỗi tiết dạy, thầy đều nhắc đi nhắc lại sinh viên của mình đã chọn học ngành dịch vụ phải trung thực. Sinh viên không cần phải thể hiện sự trung thực này cho bất kỳ ai, mà trước hết phải trung thực với chính mình.
Chẳng hạn khi thực hành rửa ly tách, sinh viên phải đảm bảo mỗi ly đều được rửa theo đúng quy trình, qua từng bước đã được dạy. Không thể có ba bước nhưng vì vội mình chỉ làm có hai. Cũng không chủ quan nói nhìn ly đã sạch nên rửa sơ qua là được. Anh Trung nhớ thầy từng có lần dành cả buổi để một nhóm bạn sinh viên trong lớp anh rửa đi rửa lại một cái ly cho đến khi đạt chuẩn mới thôi.
Hay một bài học trung thực khác được thầy Nghĩa dạy là tiền thối, tiền tip của khách. Nếu bạn là người phục vụ, tiền thối 1.000 đồng của khách cũng phải thối lại, không được tự nhiên mặc định đó là tiền tip của mình. Có những khách hàng sẽ coi đó là khoản tiền nhỏ không để ý, nhưng bản thân người làm nghề không được tùy tiện như thế. Đồng thời khi nhận tiền tip phải xử lý theo đúng quy định của mỗi nhà hàng, không được gian dối.
“Sự trung thực luôn được tôi đặt lên hàng đầu khi xây dựng đội ngũ công ty của mình sau này. Trong các chương trình đào tạo nhân viên, tôi dành phần nhiều bài giảng về sự trung thực trong các tình huống trong nhà hàng, khách sạn thực tế. Tôi truyền bài học mà thầy tôi luôn tâm niệm đến các bạn trẻ đồng hành với tôi rằng sự trung thực trước hết là trung thực với chính bản thân mình”, anh Trung nói.
Anh Nguyễn Tiến Tuyến cũng từng là sinh viên chuyên ngành quản trị nhà hàng khóa 2002-2004 tại Trường trung cấp Khách sạn và Du lịch Saigontourist và cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi thầy Nguyễn Hữu Nghĩa.
Anh Tuyến nhớ lại thầy thường nhắn nhủ một trong những cái khó nhất của người làm nghề dịch vụ là duy trì được sự nhất quán trong cách phục vụ của mình. Thường nhiều người rất dễ rơi vào bẫy “trông mặt mà bắt hình dong”, thấy khách có vẻ có tiền thì phục vụ tận tâm hơn, còn nhìn hơi “nghèo nghèo” thì có thể không hết mình. Đây là sự thiếu chuyên nghiệp.
Anh Tiến Tuyến kể thầy Nghĩa bắt sinh viên của mình tập giữ một thái độ ân cần một cách nhất quán ngay trong nhà trường. Cư xử với thầy cô, bạn bè, người trên, người dưới đều phải được giữ thái độ ấy. Thậm chí thầy còn dặn khi sinh viên về nhà, các bạn cũng phải ân cần với chính cha mẹ và người thân, coi họ như một khách hàng lớn mà bạn vinh hạnh được phục vụ.
Sự tận tâm một cách nhất quán ấy luôn là một phần trong hành trình sự nghiệp trở thành chuyên gia thiết lập và vận hành các trung tâm tiệc và sự kiện lớn. Hiện anh là giám đốc vận hành tại FnB Director, đồng thời sáng lập và giám đốc của hệ sinh thái ẩm thực Chay Vietnam.
“Nếu không có những lời dạy của các thầy cô, tôi sẽ không có được ngày hôm nay”, anh Tuyến nói.
Tôi nghĩ những điều giá trị mà thầy cô để lại cho học sinh thường không nằm ở kiến thức, mà đó là con người của thầy cô trong lúc giảng dạy, trong cuộc sống. Bởi nếu chỉ là kiến thức, ngày nay học sinh có rất nhiều cách tiếp cận kiến thức khác nhau. Chính cái tâm của mỗi thầy cô sẽ để lại cho học sinh bài học về cách sống, có thể nhỏ nhưng sẽ rất thấm thía.
Anh Nguyễn Văn Thiên Vũ
Giải toán không bỏ bước nào
Tối 15-11, anh Nguyễn Văn Thiên Vũ được vinh danh trong chương trình “Hồ Chí Minh – Hành trình khát vọng 2024” – tôn vinh các điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cái tên Nguyễn Văn Thiên Vũ không xa lạ với nhiều người trong giới khởi nghiệp công nghệ trong nước, khi là tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần thiết bị bay Agridrone Việt Nam – một trong những công ty đầu tiên ứng dụng drone vào nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ sau sự kiện, anh nói sự thành công của mình có phần đóng góp không nhỏ từ người thầy dạy toán Nguyễn Hảo mà anh đã có nhiều năm theo học. Ngày trước thầy Hảo dạy toán cấp III tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai), sau đó vì gia đình có biến cố, thầy đưa gia đình về lại Huế và dạy tại Trường THCS Phú Thanh. Hiện thầy đã nghỉ hưu.
Là giáo viên có năng lực, thầy Hảo từng được giao nhiệm vụ ôn thi học sinh giỏi toán cho trường. Thiên Vũ từng là học trò được theo học nhiều lớp bồi dưỡng toán của thầy. Với mỗi bài toán, thầy đều yêu cầu học sinh phải tỉ mỉ trong từng khâu, từng bước. Đã là học sinh giỏi, có một số bạn rất thích giải bài nhanh, bỏ bước.
Tuy nhiên, thầy Hảo khó tính yêu cầu các bạn vẫn làm cụ thể từng bước, bước A mới tới bước B, rồi tới bước C. Bước sau phải kế thừa bước trước và toàn bài toán là sự tổng hợp logic của những bước nhỏ nhất với nhau. Anh Vũ nhớ lại thầy từng dặn các học sinh ở tuổi nhỏ nên học cách đi chậm mà chắc, bởi tuổi trẻ thường có sự nóng vội và đã nóng vội sẽ có sai sót.
Những lời nhắc nhở ấy như kim chỉ nam cho Thiên Vũ khi bắt đầu start-up. Anh và đồng đội cẩn trọng đi từng bước, chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhân lực, nguồn vốn đến công nghệ.
Khi đứng trước những cơ hội có thể “nhảy bước”, anh lại tự nhủ khoan chủ quan nóng vội, phải xem xét lại từng bước trước đây đã thật sự chắc chắn hay chưa. Mỗi khó khăn cũng như một bài toán đều có cách giải quyết, quan trọng là phân tích ra từng bước và giải quyết từng bước ấy một cách logic.
Anh Vũ “bật mí” thầy Nguyễn Hảo cũng chính là người cha kính yêu của mình.
Thói quen tốt tạo nền tảng vững chắc
Thầy Nguyễn Thanh Ký cho rằng đúng giờ là biểu hiện của tính chuyên nghiệp và trách nhiệm, đặc biệt trong môi trường làm việc. Nếu sinh viên học được thói quen đúng giờ từ sớm, họ sẽ dễ dàng thích nghi với yêu cầu khắt khe của công việc, góp phần tạo dựng uy tín cá nhân.
Theo thầy Ký, đúng giờ là thói quen của những người thành công. Bằng cách rèn luyện thói quen này, sinh viên học được cách sống kỷ luật và có tổ chức, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bản thân và sự nghiệp.
“Trong cuộc sống, nhiều cơ hội quý giá có thể bị bỏ lỡ chỉ vì sự chậm trễ. Tôi dạy sinh viên đúng giờ để các em biết rằng thời gian là tài sản mà nếu mất đi không thể lấy lại và cần được sử dụng một cách khôn ngoan”, thầy Ký nói.
Trong khi đó, theo thầy Nguyễn Hữu Nghĩa, ngành nhà hàng khách sạn hay dịch vụ nói chung luôn đặt khách hàng lên hàng đầu. Sự gian dối, dù nhỏ, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như rủi ro sức khỏe hoặc sự không hài lòng, làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu.
Do vậy, sự trung thực và tận tâm mà thầy truyền đạt cho sinh viên với kỳ vọng giúp các bạn có thể phát triển bền vững chính bản thân mình trong một ngành luôn có sự cạnh tranh cao.
Giúp học sinh làm tốt hơn
Theo anh Nguyễn Văn Thiên Vũ, thầy Nguyễn Hảo ít khi khen. Thầy thường tinh ý chỉ ra những chỗ các học sinh có thể làm tốt hơn, hay hơn hoặc sâu hơn. Đặc biệt, thầy rất chú trọng chuyện trình bày một bài toán.
Thầy ví von trình bày một bài toán cũng giống như mình trình bày một dự án, một công việc, hay rộng hơn là cả một cuộc sống sau này. Bởi theo thầy, giải toán hay cuộc sống không chỉ là chuyện có đáp án là xong, phải là từng bước đi đến đáp án ấy.