Ngày Nhà giáo 20/11 là dịp phụ huynh, học sinh và cả xã hội thể hiện lòng biết ơn, tri ân người thầy và cũng là ngày để người thầy chiêm nghiệm về nghề nghiệp mình lựa chọn.
Tuy nhiên, gần đây, ngày lễ 20/11 ít nhiều bị nhìn nhận một cách phiến diện, sai lệch là ngày… quà cáp; ngày hội phụ huynh, học sinh tặng quà cho thầy cô, nhà trường. Điều này dẫn đến những áp lực không đáng có cho phụ huynh, còn bên được tri ân cũng nặng trĩu lòng.
Mùa 20/11 năm nay, một loạt những lá thư ngỏ “không nhận hoa, quà dịp 20/11” hoặc lời đề nghị xin “đổi quà khác” dành cho học sinh của nhiều đơn vị giáo dục, trường học tạo nên một luồng gió mới tích cực, trả lại ý nghĩa của ngày 20/11: Người thầy hướng đến sự chăm lo cho học trò, hiện thực hóa sứ mệnh, vai trò của mình.
Nhắc nhở nhà giáo về sứ mệnh thiêng liêng
Nhà giáo dục Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, tác giả cuốn sách “Sư phạm khai phóng – Thế giới, Việt Nam và tôi” cho biết, bao lâu nay, ngày 20/11 trở thành ngày rất quen thuộc trong tâm trí người Việt, thậm chí nhiều người xem đó là ngày Tết đặc biệt: “Tết thầy cô”.
“Nhiều người mặc nhiên xem 20/11 là ngày để tôn vinh nhà giáo, nhiều giáo viên cũng hoan hỉ đón nhận mà quên mất rằng ngày này không chỉ để tôn vinh người thầy mà chính là ngày nhắc nhở nhà giáo về sứ mệnh thiêng liêng của mình.
Đó cũng là ngày nhắc nhở giáo giới về hành trình đấu tranh mà họ đã, đang và sẽ còn tiếp tục trải qua để giành lấy quyền dạy học, quyền tự do thực hiện sứ mệnh thiêng liêng đó”, ông Giản Tư Trung cho hay.
Theo ông Trung, sự tôn vinh trân trọng của xã hội trong ngày 20/11 một mặt là niềm vui với những người làm nghề dạy học nhưng mặt khác khiến cho những nhà giáo có lương tri cảm thấy đầy áp lực và trách nhiệm. Bởi họ hiểu sự tôn vinh đó đồng thời đi kèm đòi hỏi khắt khe hơn, nhất là gần đây nghề giáo bị một bộ phận nhìn nhận thiếu tôn trọng.
Ngày 20/11 mang ý nghĩa lớn hơn khi đây là ngày để những người làm nghề dạy học tư duy lại và nhận thức lại công việc và nghề nghiệp của mình. Cũng như mỗi người thầy định nghĩa lại vai trò và sứ mệnh của nghề nghiệp với người học và xã hội trong bối cảnh mới, thời đại mới.
Đặc biệt, theo ông Giản Tư Trung, 20/11 là ngày để người thầy chiêm nghiệm về nghề nhưng người thầy có tránh nhiệm hẳn sẽ không ngừng trăn trở mỗi ngày về công việc, sự nghiệp của mình liệu có thể mang lại điều gì cho người học, cho bức tranh nghề giáo và cả nền giáo dục.
TS giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM chia sẻ, hơn 20 năm về trước, khi ở lại trường làm giảng viên ở tuổi 22, bà đã khoác lên mình hình mẫu một nhà giáo… đạo mạo, khó tính với mái tóc uốn xù, mặt mày tỏ ra thật nghiêm nghị, thậm chí cau có.
Trải qua quá trình dài dạy học, giờ đây, bà Huyền nhìn về sứ mệnh người thầy vô cùng đơn giản: “Sứ mệnh của người thầy là làm cho mỗi khoảnh khắc mà học sinh ở với chúng ta sẽ trở thành những khoảnh khắc có ý nghĩa nhất trong cuộc đời của các em”.
Khi đi tập huấn cho giáo viên ở vùng sâu vùng xa, bà Huyền nhìn thấy nỗi khổ tâm của nhiều nhà quản lý, giáo viên trong việc giữ chân các em đến trường. Họ lo lắng các em rơi vào vòng luẩn quẩn thất học, lấy chồng, sinh con, nghèo đói…
Bà Huyền nói với thầy cô, khoan nghĩ đến những điều này mà điều người thầy có thể làm là tập trung cho giây phút hiện tại. Ngày hôm nay, khi học sinh đang có mặt ở trường cùng với mình thì người thầy có thể làm gì để ngày hôm đó trở nên có ý nghĩa với các em.
Hiện thực hóa sứ mệnh nhà trường, nhà giáo
Quan điểm về sứ mệnh người thầy của TS Nguyễn Thị Thu Huyền cũng là góc nhìn, quan điểm của nhiều giáo viên, nhà quản lý giáo dục đang được lan tỏa trong dịp 20/11 với những lá thư ngỏ “xin đổi quà” của nhiều trường học.
Đó là hàng trăm chiếc thẻ bảo hiểm y tế được trao cho học sinh khó khăn tại Trường THCS Nguyễn Văn Luông, quận 6, TPHCM; là những tập vở, sữa để làm phần thưởng cho học trò tham gia các hoạt động bổ ích tại Trường Tiểu học Phan Văn Trị, quận 1, TPHCM; hay là những ý kiến đóng góp cùng chung tay cho giáo dục tại Trường Mầm non 14, quận Tân Bình, TPHCM…
Bà Huỳnh Thị Phương Thảo, Hiệu trưởng Trường Mầm non 14, quận Tân Bình, người viết thư ngỏ từ chối nhận hoa quà dịp 20/11, xin đổi hoa quà sang những ý kiến đóng góp để cải thiện chất lượng dạy học từ phụ huynh, chia sẻ: “Đây là món quà ý nghĩa nhất, quan trọng nhất, giá trị nhất với nhà trường và với mỗi giáo viên”.
Ngày lễ 20/11, nhiều trường học, giáo viên không chỉ dừng lại ở việc chiêm nghiệm về nghề nghiệp mà họ bắt tay vào hành động thực hiện sứ mệnh của mình, tạo nên những điều ý nghĩa cho học trò.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM chia sẻ, Ngày Nhà giáo Việt Nam đã trở thành một ngày hội tôn vinh thầy cô giáo, những người đã và đang đóng góp bao công sức, trí tuệ, tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục.
Sự tôn vinh ấy thể hiện niềm tin, lòng kính yêu của học sinh, phụ huynh và toàn xã hội đối với các thầy cô giáo.
Nhưng với người thầy, ông Hiếu nhấn mạnh đây chính là dịp để mỗi người nhận thức sâu sắc hơn về nghề nghiệp của mình để thêm “trọng nghề – yêu nghề”. Để từ đó mỗi người thầy không ngừng trau dồi năng lực chuyên môn, gìn giữ phẩm chất, đạo đức nhà giáo.
“Người thầy không chỉ dạy cho học sinh bằng sách vở, kiến thức, trái tim mà dạy bằng chính cuộc đời mình, bằng chính phong cách sống của mình.
Việc khơi lên cảm xúc, truyền ngọn lửa tình yêu, đánh thức tiềm năng, hình thành phát triển phẩm chất năng lực và đem lại những giá trị sống tốt đẹp cho học sinh, không máy móc nào làm được, chỉ có người thầy mới làm được”, ông Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ.
Điều tốt đẹp luôn có sức ảnh hưởng. Khởi nguồn từ Ngày Nhà giáo, tin rằng sứ mệnh này sẽ được lan tỏa, tiếp tục nhân rộng phong trào chăm lo cho học trò bằng trái tim bằng cả hành động của những người mang nghiệp “trồng người”.