“Siết” thời gian xét tuyển sớm: Đỡ loạn
Theo dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 do Bộ GD&ĐT vừa đưa ra lấy ý kiến dư luận, có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đề xuất chỉ tiêu xét tuyển sớm không được vượt quá 20% tổng chỉ tiêu, các trường không được gọi vượt số này.
Tất cả các phương thức xét tuyển phải quy đổi về một thang điểm chung. Điểm trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm không được thấp hơn điểm chuẩn xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
Các trường vẫn được tự chủ các phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, với riêng phương án xét học bạ, Bộ yêu cầu phải có kết quả học tập của cả năm lớp 12, đồng thời phải có điểm tổ hợp ít nhất 3 môn gồm toán và ngữ văn bắt buộc.
Như vậy, nếu quy định này được thông qua, các trường đại học dùng phương thức xét tuyển học bạ không thể công bố điểm chuẩn trúng tuyển sớm trước tháng 5 như hiện nay.
Trả lời phóng viên Dân trí, TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, cho biết nhà trường luôn tuân thủ đúng, đủ theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT trong công tác tuyển sinh.
Đồng thời, quan điểm của nhà trường ổn định quy chế tuyển sinh để đảm bảo chất lượng tốt và sẽ điều chỉnh phù hợp khi Bộ GD&ĐT có yêu cầu mới.
Với phương thức tuyển sinh năm 2025 của ĐH Hà Nội, đơn vị này dự kiến giữ ổn định 3 phương thức: Tuyển thẳng, xét tuyển sớm và xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Cũng theo TS Dũng, việc dự kiến không cho phép các trường đại học công bố xét tuyển sớm trước 31/5 là hoàn toàn hợp lý bởi thời điểm đó quá sớm, học sinh còn chưa biết kết quả tốt nghiệp THPT.
Với quan điểm đó, hàng năm nhà trường chủ trương xét tuyển kết hợp (hay còn gọi là xét tuyển sớm) sau khi thí sinh thi tốt nghiệp THPT để các em có thêm một phương án lựa chọn ngoài xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Còn một lãnh đạo tại Học viện Tài chính cho rằng, quy định trên có điểm tích cực ở chỗ, nếu xét tuyển sớm quá (trước tháng 5) sẽ thiếu công bằng với thí sinh. Vậy nên, Bộ “siết” thời gian là phù hợp.
Không vượt quá 20% chỉ tiêu: Lọc ảo ra sao?
Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo này, nếu áp quy định chỉ tiêu không vượt quá 20% sẽ làm khó nhiều trường đại học.
Theo ông, tỷ lệ hồ sơ ảo tại các trường hiện nay khá cao bởi một em thường nộp hồ sơ xét tuyển sớm vào rất nhiều trường.
Do vậy, nhiều trường phải “gọi” số thí sinh cao lên nhằm loại trừ hồ sơ ảo, thậm chí có trường phải gọi số lượng thí sinh gấp đôi để “trừ hao”.
Chẳng hạn ở Học viện Tài chính, nhà trường gọi khoảng 80% thí sinh. Khi xét tuyển chính thức, các em bỏ khoảng 50%, khoảng 30% còn lại là vừa đủ.
“Một trường có khoảng 1.000 chỉ tiêu nhưng để trừ ảo, đơn vị đó phải gọi khoảng 1.200 em, sau khi trừ hao số em bỏ xét tuyển, chỉ còn khoảng 800 là vừa đủ”, lãnh đạo này cho hay.
Riêng với quy định yêu cầu điểm trúng tuyển xét sớm không thấp hơn điểm chuẩn đợt xét chung của Bộ, lãnh đạo của Học viện Tài chính cho rằng, nếu áp dụng cho ngành sư phạm và ngành Y rất phù hợp, ông hoàn toàn ủng hộ bởi lẽ ngành sư phạm ảnh hưởng đến nhiều thế hệ. Nếu để điểm chuẩn thấp, chất lượng đầu vào không cao, sẽ rất ảnh hưởng đến sau này.
Nhưng nếu áp dụng quy định này cho tất cả các ngành, chuyên gia này cho rằng chưa hợp lý, bởi mỗi ngành cần có những yêu cầu khác nhau, cần mức điểm khác nhau để đạt yêu cầu đầu vào nhất định, do vậy nếu cào bằng sẽ không phù hợp.
Về yêu cầu sử dụng điểm cả năm lớp 12 khi xét học bạ, thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay, một số chuyên gia tuyển sinh đánh giá cao.
Đại diện một trường đại học lớn về khối ngành kinh tế cho rằng, dự thảo có một số điểm tích cực.
Chẳng hạn, việc siết thời gian xét tuyển sớm không được diễn ra trước tháng 5 hoàn toàn phù hợp. Nếu xét tuyển khi các em chưa hoàn thành chương trình lớp 12, sẽ gây xáo trộn và mất công bằng.
Đối với trường này, năm ngoái áp dụng khoảng 50% cho xét tuyển sớm trong đó chủ yếu là dùng kết quả đánh giá năng lực, không xét học bạ.
Tuy nhiên nếu Bộ GD&ĐT có thay đổi, nhà trường sẽ chuyển chỉ tiêu từ hình thức xét tuyển này sang hình thức khác mà không bị ảnh hưởng.