Theo Smcp, số lượng thí sinh đăng ký kỳ thi tuyển sinh sau đại học ở Trung Quốc đã giảm năm thứ hai liên tiếp, sau thời gian dài liên tục tăng. Xu hướng này cho thấy sự suy giảm niềm tin vào giá trị của các bằng cấp cao trong bối cảnh thị trường việc làm dành cho người trẻ nước này ngày càng trở nên khan hiếm.

Theo số liệu từ Bộ Giáo dục Trung Quốc công bố hôm 21/11, chỉ có 3,88 triệu người đăng ký kỳ thi tuyển sinh sau đại học năm 2025, giảm 11,4% so với 4,38 triệu người năm nay và giảm 18,1% so với con số 4,74 triệu vào năm 2023.

[wpcc-element _tag=”source” data-srcset=”https://static-images.vnncdn.net/vps_images_publish/000001/000003/2024/11/22/sinh-vien-cao-hoc-58141.png?width=0&s=JXx2NwGOJ36Ky1egkPfOhw” media=”–large” _close=”0″]
Sinh viên dự thi tuyển sinh sau đại học tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Giá trị bằng cao học đang mờ nhạt?

Kỳ thi tuyển sinh sau đại học quốc gia, thường được gọi là kaoyan, từng được coi là bước ngoặt cuộc đời, giúp hàng triệu sinh viên đạt tấm bằng danh giá và mở ra cơ hội việc làm tốt hơn. Tuy nhiên, tình hình kinh tế trì trệ và sự thiếu tự tin từ các doanh nghiệp trong việc mở rộng quỹ lương đã khiến bằng cao học không còn là tấm vé đảm bảo việc làm như trước.

Ông Xiong Bingqi, Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21, nhận định: “Với thị trường việc làm ảm đạm hiện nay, bằng thạc sĩ không còn đảm bảo cơ hội việc làm. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học sẵn sàng làm việc ngay nếu tìm được việc sau khi ra trường”.

Một khảo sát từ nền tảng tuyển dụng Zhilian Zhaopin cho thấy, tính đến tháng 4, chỉ 44,4% học viên sau đại học nhận được lời mời làm việc, thấp hơn mức 45,4% của những người chỉ có bằng cử nhân.

Thực trạng còn nghiêm trọng hơn đối với những người tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ tại các trường đại học tầm trung. Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin thuộc Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội, chỉ 33,2% sinh viên nhóm này nhận được lời mời làm việc vào tháng 4 năm nay, giảm 17 điểm phần trăm so với năm ngoái.

Sự cạnh tranh khốc liệt và thất nghiệp gia tăng

Dữ liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm tuổi 25-29 (bao gồm phần lớn những người mới tốt nghiệp cao học) đã tăng từ 6,5% vào tháng 7 lên 6,9% vào tháng 8, thời điểm nhiều sinh viên vừa rời ghế nhà trường.

Dù vậy, ông Xiong cũng chỉ ra rằng, so với đầu thập niên 2010, mức độ quan tâm tới bằng cao học vẫn tương đối cao. Nhiều sinh viên chọn tiếp tục học học lên cao để tránh thất nghiệp hoặc trì hoãn việc gia nhập thị trường lao động đầy cạnh tranh.

Mỗi năm, Trung Quốc lại đón nhận thêm một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp đại học. Năm nay, con số này đạt mức kỷ lục 11,79 triệu và dự kiến sẽ tăng lên 12,22 triệu vào năm 2025.

Bài toán cho tương lai

Để giảm áp lực thất nghiệp, chính phủ Trung Quốc đã mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh sau đại học. Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch, chỉ tiêu tuyển sinh tăng thêm 189.000 – mức tăng lớn nhất kể từ năm 2017. Tuy nhiên, ngay cả khi chỉ tiêu mở rộng, cuộc cạnh tranh để vào các chương trình sau đại học vẫn rất khốc liệt.

Năm 2023, chỉ có 1,3 triệu thí sinh trúng tuyển, bao gồm cả những người được giới thiệu mà không cần thi, theo số liệu chính thức. Kỳ thi viết kaoyan thường diễn ra vào cuối tháng 12, sau đó là vòng phỏng vấn vào tháng 3. Kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào cuối tháng 4.

Theo ông Guo Peng, một quan chức thuộc Bộ Giáo dục, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh sau đại học trong những năm tới.

Ông nhấn mạnh: “Mục tiêu là đạt được sự cân bằng và tương quan tích cực giữa phát triển nhân tài và nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội”.

Dù vậy, những thách thức trong việc định hình lại giá trị của bằng cấp cao trong thị trường việc làm hiện đại vẫn là bài toán lớn mà cả chính phủ và các trường đại học phải đối mặt.