Xét tuyển sớm: Mất công bằng, rối loạn hệ thống

Xét tuyển sớm: Mất công bằng, rối loạn hệ thống - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (Vụ Giáo dục đại học) tư vấn cho học sinh và phụ huynh tại Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2024 ở TP.HCM – Ảnh: T.T.D.

Chiều 26-11, tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), Vụ Giáo dục đại học tổ chức buổi làm việc lắng nghe góp ý của các trường đại học cho các dự thảo thông tư liên quan đến xác định chỉ tiêu tuyển sinh và sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh trình độ đại học.

Nhiều lý do thay đổi

Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Nguyễn Mạnh Hùng (Vụ Giáo dục đại học) cho biết những thay đổi trong dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025 xuất phát từ những điều chưa công bằng của các kỳ tuyển sinh trước đây cũng như dư luận xã hội thời gian qua liên quan đến việc xét tuyển sớm.

Theo ông Hùng, các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển sớm và xét tuyển nhiều tổ hợp gây mất công bằng và rối loạn hệ thống xét tuyển chung. Ông cũng đề cập đến dư luận xã hội cho rằng xét tuyển sớm tạo cảm giác các trường vơ vét thí sinh. Ngoài ra, ông Hùng cũng cho rằng việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để xét tuyển sớm khiến cả xã hội đua tranh xét tuyển.

“Mục tiêu của bộ là giảm điều này. Bộ dự kiến quy định chỉ tiêu chung, xét theo thang điểm chung để đảm bảo sự công bằng. Các cơ sở đưa ra phương thức xét tuyển thì chịu trách nhiệm về việc quy đổi điểm của các phương thức về thang điểm xét tuyển của đợt xét tuyển chung”, ông Hùng nói.

Kỳ thi đánh giá năng lực, thi riêng ngày càng được nhiều trường tổ chức và sử dụng kết quả để xét tuyển. Nếu như những năm trước đây, các trường tổ chức kỳ thi quản lý dữ liệu kết quả thì năm nay dự kiến bộ yêu cầu các đơn vị tổ chức cung cấp kết quả cho bộ để các trường xét tuyển sử dụng chung.

Lý giải về việc này, ông Hùng cho biết những năm trước có không ít trường hợp sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, thi riêng để xét tuyển nhưng yêu cầu thí sinh phải đến trường tổ chức lấy xác nhận kết quả nộp cho trường. 

“Điều này gây phiền hà, mất thời gian cho thí sinh, gây bức xúc. Các trường gửi kết quả cho bộ để các trường có thể sử dụng để xét tuyển, tránh gây phiền hà cho thí sinh. Các đơn vị tổ chức thi cũng phải điều chỉnh đề thi bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, ông Hùng nói thêm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra các quy định để thực hiện một nguyên tắc cơ bản trong giáo dục, đó là công bằng, qua đó sẽ nâng cao chất lượng tuyển sinh và chất lượng đào tạo, chứ hoàn toàn không tạo ra rào cản nào hay có mục đích buộc các trường phải sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo)

“Rất tai hại”

Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cập đến sự thiếu công bằng trong xét tuyển sớm, sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển. Trong nhiều hội nghị tuyển sinh, bộ đã nhiều lần đề cập vấn đề này.

Tại Hội nghị giáo dục đại học 2024 diễn ra đầu tháng 8-2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng các trường đại học có quyền tự chủ cao trong tuyển sinh nhưng không có nghĩa thích làm gì thì làm mà tự chủ trong khuôn khổ quy định. Tuyển sinh sớm khiến các em sao nhãng học hành, “rất tai hại”.

Cũng theo ông Sơn, việc các trường tuyển nhiều phương thức khiến số chỉ tiêu còn lại cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT ít, điểm chuẩn lên rất cao, tạo ra sự mất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học tốt. Bộ trưởng cũng đề nghị các trường đại học không nên có quá nhiều phương án xét tuyển, các phương thức xét tuyển càng đơn giản càng tốt, thuận lợi cho học sinh và xã hội.

Và dự thảo quy chế tuyển sinh 2025 của bộ với nhiều thay đổi được giải thích nhằm mục tiêu đảm bảo công bằng cho thí sinh. Bà Nguyễn Thu Thủy, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, cho rằng dự thảo thông tư sửa đổi tập trung khắc phục những bất cập trong công tác tuyển sinh hiện nay. 

Việc cơ sở đào tạo sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp môn xét tuyển đối với cùng một chương trình, ngành đào tạo, trong đó có việc một số cơ sở đào tạo dành quá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, hay việc quy định điểm cộng quá lớn cho các chứng chỉ ngoại ngữ.

Giải thích thêm sự bất bình đẳng trong xác định chỉ tiêu và phương thức xét tuyển sớm, bà Thủy cho rằng khó có cơ sở khoa học hay thực tiễn cho việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức hay tổ hợp xét tuyển của một ngành đào tạo, dẫn tới xuất hiện những vấn đề như chênh lệch điểm trúng tuyển một cách bất hợp lý giữa các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển đồng thời đẩy điểm chuẩn của phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT lên rất cao do chỉ tiêu dành cho phương thức này không còn nhiều, đặc biệt là ở các ngành và trường “hot”. 

Điều này gây bất công bằng về cơ hội cho những thí sinh không có điều kiện tiếp cận nhiều phương thức xét tuyển.

Vì vậy dự thảo sửa đổi quy chế quy định quy đổi tương đương điểm xét của các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển về một thang điểm chung. Các cơ sở đào tạo sẽ phải nghiên cứu để quy định lại việc cộng điểm các chứng chỉ ngoại ngữ và các điểm cộng ưu tiên khác, qua đó hạn chế việc lạm dụng gây bất công bằng giữa các thí sinh có điều kiện đầu tư cho học tập khác nhau.

Giảng viên thỉnh giảng không được tính chỉ tiêu

Liên quan đến dự thảo thông tư xác định chỉ tiêu tuyển sinh, đại diện Vụ Giáo dục đại học cho biết thông tư xác định chỉ tiêu tuyển sinh mới được ban hành gần đây. Tuy nhiên đầu năm 2024 bộ ban hành thông tư về chuẩn cơ sở giáo dục đại học nên nội dung thông tư xác định chỉ tiêu cũng phải được sửa đổi để thống nhất về văn bản.

Theo dự thảo, hai tiêu chí chính xác định chỉ tiêu là cơ sở vật chất và giảng viên. Trong đó tiêu chí cơ sở vật chất ổn định, tiêu chí giảng viên có sự thay đổi. Tỉ lệ sinh viên/giảng viên được xác định là 40, tăng lên so với trước đây. Tuy nhiên chỉ giảng viên cơ hữu, làm việc toàn thời gian mới được tính xác định chỉ tiêu tuyển sinh; giảng viên thỉnh giảng không được tính.

Xét tuyển sớm: Mất công bằng, rối loạn hệ thống - Ảnh 2.Vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo siết xét tuyển sớm không quá 20%?

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc đưa ra giới hạn xét tuyển sớm không quá 20% chỉ tiêu nhằm tạo sự công bằng giữa các thí sinh khi tham gia ứng tuyển.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *